Nghệ An triển khai các biện pháp mạnh nhất để ngăn chặn dịch bệnh

Nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung yêu cầu các địa phương luôn ở trong tâm thế sẵn sàng, nâng cao trách nhiệm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai các biện pháp mạnh nhất để sớm kiểm soát, khống chế dịch bệnh, vượt qua cuộc chiến này để cuộc sống trở lại bình thường.

Đã ghi nhận 51 ca COVID-19, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp

Sáng 25/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung, Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An đã họp khẩn sau khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó nhiều ca liên quan đến chợ đầu mối (TP. Vinh).

Báo cáo tại cuộc họp, PGS.TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, tính từ ngày 13/6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 51 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 10 địa phương, trong đó có 8 ca bệnh liên quan đến ổ dịch ở chợ đầu mối (TP. Vinh). Riêng sáng nay, tỉnh công bố 6 ca nhiễm, trong đó có nhiều ca có lịch trình rất phức tạp.

Đối với 2 ca bệnh tại TX. Hoàng Mai, đến thời điểm này đã truy vết được 31 trường hợp F1, 300 người liên quan. Ca bệnh ở Nghĩa Đàn là F1 của ca bệnh ở Quỳ Hợp. Ca bệnh ở Nam Đàn rất phức tạp, có liên quan đến chợ đầu mối, bệnh nhân di chuyển nhiều nơi để gom hàng rồi vận chuyển ra chợ đầu mối bán. Đến thời điểm này đã truy vết được 31 trường hợp F1.

Đối với ca bệnh ở Nghi Lộc tương đối phức tạp, cũng chuyên gom hàng các chợ ở Nghi Lộc, Hưng Nguyên, sau đó đưa đến chợ đầu mối bán. Bên cạnh đó, ca bệnh này tiếp xúc với nhiều người, hiện đã lấy 300 mẫu để xét nghiệm. Ca bệnh là lái xe Quảng Ngãi thì có dừng ăn cơm ở Hà Tĩnh, gần như không liên quan đến các trường hợp ở Nghệ An.

PGS.TS Dương Đình Chỉnh cho biết, qua phân tích của tổ truy vết thì nhận định, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 ổ dịch lớn. Ổ dịch thứ nhất liên quan đến ca bệnh làm nghề gội đầu ở phường Hà Huy Tập (TP Vinh). Ổ dịch thứ 2 là các ca bệnh từ Bắc Giang trở về, riêng ca bệnh ở huyện Quỳ Hợp mang chủng virus siêu lây nhiễm. Ổ dịch thứ 3 là tại chợ đầu mối TP. Vinh, đến nay vẫn chưa rõ nguồn lây nhiễm.

Tình hình dịch trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, nhiều ca bệnh mất dấu F0. Nhiều địa phương vẫn đang lúng túng trong việc điều tra truy vết người liên quan ca nhiễm, xây dựng khu cách ly tập trung.

Nhanh chóng thành lập các bệnh viện dã chiến

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: Diễn biến dịch trên địa bàn tiếp tục phức tạp, nhất là với chùm ca bệnh xuất hiện tại chợ đầu mối, khả năng làm bùng phát dịch mạnh, rộng khắp trên địa bàn tỉnh trong những ngày tới.

Ngay từ khi xuất hiện dịch, Ban Chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 tỉnh đã có cuộc họp trực tuyến với các địa phương để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Các địa phương nhìn chung đã có sự chủ động nhưng thực thế khi xuất hiện các ca bệnh trên địa bàn thì còn lúng túng trong chỉ đạo, nhất là vấn đề tổ chức thực hiện cách ly tập trung, công tác truy vết chưa triệt để.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lưu ý, sau khi truy vết, việc tổ chức cách ly tập trung phải đảm bảo điều kiện về y tế, nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong khu cách ly thì còn nguy hiểm hơn.

Để phòng tình huống lây lan dịch bệnh nhanh, tăng số lượng ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh, việc thành lập các bệnh viện dã chiến là yêu cầu bắt buộc và cần phải được thực hiện nhanh chóng.

Từ bài học của các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, việc thành lập Tổ COVID cộng đồng tại tất cả các địa bàn huyện, thành, thị thời gian này hết sức cần thiết. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh cần tham mưu ban hành sớm việc hướng dẫn thành lập Tổ COVID cộng đồng.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Võ Thị Minh Sinh cho biết, MTTQ tỉnh đang tham mưu sẽ thành lập Tổ COVID cộng đồng, mỗi Tổ phụ trách từ 30-50 hộ gia đình. Nếu trên địa bàn chưa có dịch thì các Tổ COVID truyền thông, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh; giám sát, phát hiện và báo cáo ngay những trường hợp nghi mắc COVID-19. Những trường hợp trên địa bàn xuất hiện các ca nhiễm thì Tổ COVID phải thực hiện thêm nhiệm vụ truy vết, giám sát, điều tra dịch tễ.

Tại cuộc họp, một số ý kiến đề xuất Tổ COVID cộng đồng do công an khu vực làm tổ trưởng.

Qua nghe ý kiến của các thành viên dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị trong Tổ COVID cộng đồng quy định thành phần cứng. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý ngay khi xuất hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19, lực lượng công an cần vào cuộc thực hiện, khoanh vùng, truy vết một cách nhanh nhất để kịp thời khống chế, không cho lây lan dịch bệnh.

Cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo cũng đã bàn và thống nhất một số nội dung liên quan đến phân bổ nguồn lực xã hội hóa thực hiện phòng, chống dịch bệnh; quản lý tại các chợ dân sinh; hoạt động vận tải hàng hóa; công tác phối hợp trong thực hiện truy vết, điều tra dịch tễ…

Ngay sau cuộc họp này, Thường trực Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An đã họp trực tuyến với Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương để triển khai các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch trên địa bàn.

Toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: Diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An lúc này hết sức phức tạp. Nguy cơ lây lan ra tất cả các địa phương trong toàn tỉnh là rất cao.

Hiện đã có 10 huyện, thành, thị (Thành Phố Vinh, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thị xã Hoàng Mai, Đô Lương, Quỳnh Lưu) ghi nhận các ca nhiễm COVID-19. Chính vì vậy Thường trực Ban chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 tỉnh tổ chức cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo các huyện, thành, thị để triển khai ngay các giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát, khống chế, không cho lây lan dịch bệnh trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 của các địa phương phải tiếp tục thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ, quyết liệt một cách đồng bộ, kịp thời các hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, Ban chỉ đạo Quốc gia và của tỉnh dựa trên tình hình thực tiễn của địa phương, trên tinh thần kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, và dựa vào dân với phương châm “4 tại chỗ”, toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc phòng chống dịch.

Phân công phân nhiệm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm

Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch các địa phương cần phân công, phân nhiệm rõ ràng, rõ người, rõ việc nhất là đối với các đồng chí trong cấp ủy.

Thành viên trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ được phân công theo dõi, phụ trách địa bàn nào chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch địa bàn đó.

Các địa phương thực hiện theo nguyên tắc ngăn chặn hiệu quả bên ngoài, kiểm soát chặt bên trong. Không chỉ các địa phương đã có dịch mà các địa phương chưa có dịch cũng phải hết sức chủ động, sẵn sàng, không được chủ quan, lơ là.

Đối với 10 địa phương đang có dịch cần phải thần tốc truy vết, truy vết triệt để, truy vết đến cùng và cần trao đổi thông tin với các địa phương có liên quan đến bệnh nhân COVID-19.

Ở các huyện, các xã phải thành lập tổ truy vết, trong đó lực lượng công an làm nòng cốt và phải có sự phối hợp đồng bộ trong công tác truy vết để đạt được hiệu quả tốt nhất. Phải hết sức bình tĩnh, khoa học, bài bản, chặt chẽ trong quá trình phối hợp thực hiện điều tra truy vết.

Ổ dịch chợ đầu mối TP Vinh rất phức tạp

Liên quan đến ổ dịch chợ đầu mối, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương cần phải rà soát, tuyên truyền vận động, yêu cầu cá nhân có liên quan tự giác khai báo y tế để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bởi đây là ổ dịch rất phức tạp liên quan đến nhiều người nhưng hiện nay chưa kiểm soát được hết.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng lưu ý, ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ lây nhiễm, cần phải tiến hành khoanh vùng, truy vết các đối tượng liên quan để thực hiện việc cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chứ không chờ đến kết quả khẳng định mới tiến hành các biện pháp.

Không phong tỏa cứng nhắc

Cho rằng, thời gian qua, một số địa phương có dịch triển khai việc tổ chức cách ly còn lúng túng, chưa đảm bảo, đồng thời chia sẻ với một số địa phương còn khó khăn trong việc bố trí điểm cách ly, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương làm sao để lựa chọn các điểm cách ly tập trung đảm bảo điều kiện y tế, được quản lý, giám sát chặt chẽ để tránh trường hợp lây nhiễm bệnh trong khu cách ly.

Trong việc xác định thực hiện giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương dựa vào tình hình thực tế để có quyết định thực hiện giãn cách, cách ly, phong toả. Song phải thực hiện theo quan điểm, khoanh vùng rộng, phong toả hẹp, không nên cứng nhắc.

Kiện toàn tổ COVID cộng đồng

Liên quan đến vai trò tham gia giám sát của người dân, thống nhất với đề xuất của MTTQ tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương thành lập Tổ COVID cộng đồng. Đối với các địa phương đã thành lập tổ tự quản thì thực hiện kiện toàn thành Tổ COVID cộng đồng tại các thôn, bản, khối xóm.

Tổ COVID cộng đồng truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, vận động, nhắc nhở nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh; giám sát, phát hiện và báo cáo ngay những trường hợp nghi mắc COVID-19 và thực hiện các nhiệm vụ khác.

Nếu trên địa bàn xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 thì Tổ COVID cộng đồng tham gia thực hiện thêm nhiệm vụ truy vết, giám sát, điều tra dịch tễ.

Ban chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 tỉnh Nghệ An sẽ sớm có văn bản hướng dẫn thành lập Tổ COVID cộng đồng để các địa phương triển khai thực hiện.

Quá trình làm việc sẽ không tránh khỏi việc va chạm, mất lòng, áp lực song Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lực lượng tham gia Tổ COVID cộng đồng cần bản lĩnh, phát huy trách nhiệm để làm tốt vai trò giám sát, quản lý, nhất là đối với các trường hợp từ địa bàn khác trở về tại địa phương, đặc biệt trở về từ địa bàn có dịch.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các địa phương cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ việc phòng chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tập trung đông người trên địa bàn.

Siết chặt quản lý các chợ dân sinh

Liên quan đến vấn đề phòng chống dịch tại các chợ dân sinh, theo Chủ tịch UBND tỉnh, trong thời điểm này chưa thể đóng tất cả các chợ dân sinh, song phải siết chặt quản lý tại các chợ dân sinh hết sức chặt chẽ, đặt biệt là tại các chợ tự phát; thực hiện đóng cửa các chợ đã xuất hiện F0. Về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương tham mưu văn bản thực hiện cụ thể.

Để phòng chống dịch bệnh, phải sử dụng kinh phí từ nhiều nguồn, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương cần bố trí ngân sách và thực hiện xã hội để chủ động phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”.

Nội dung này giao MTTQ tỉnh có văn bản hướng dẫn cụ thể; đồng thời, có văn bản hướng dẫn để có sự hỗ trợ cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian diễn ra dịch bệnh, nhất là đối với các địa bàn thực hiện phong toả, các hộ nghèo, cận nghèo, bệnh nhân đang điều trị. Tỉnh cũng sẽ có xem xét, cân đối để có sự hỗ trợ đối với các địa phương có điều kiện khó khăn.

Triển khai các biện pháp mạnh nhất để khống chế dịch bệnh

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị tại các địa phương có các công trình trọng điểm không nên cứng nhắc, nếu đảm bảo điều kiện an toàn, cho phép công nhân, người lao động được làm việc để đảm bảo tiến độ thi công các công trình, dự án; đồng thời, đề nghị các nhà thầu bố trí ăn, nghỉ tại chỗ cho công nhân, lao động; cho phép người lao động, công nhân giao lưu, tiếp xúc với người dân trên địa bàn để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Đối với việc tiêm vaccine phòng COVID-19, đây được xem là biện pháp bền vững trong phòng chống dịch, nhưng hiện nay nguồn vaccine chưa nhiều đang được ưu tiên cho các đối tường theo Nghị quyết 21. Khi nào có sự phân bổ của Trung ương, tỉnh sẽ ưu tiên, lựa chọn cho các địa phương có dịch. Đồng thời, đề nghị các địa phương cần có sự chuẩn bị để triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng trong thời gian tới đây.

Nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương luôn ở trong tâm thế sẵn sàng, nâng cao trách nhiệm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai các biện pháp mạnh nhất để sớm kiểm soát, khống chế dịch bệnh, vượt qua cuộc chiến này để cuộc sống trở lại bình thường./.

Nguồn: http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-dia-phuong/Nghe-An-trien-khai-cac-bien-phap-manh-nhat-de-ngan-chan-dich-benh/435838.vgp

Để lại bình luận