Trong những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) được Trường Đại học Vinh đặc biệt quan tâm và bước đầu đạt được những kết quả khá ấn tượng. Nhân dịp chuẩn bị tổ chức chưng trình Khát vọng Sông Lam 2021 và Chương trình Techfest 2021 của tỉnh Nghệ An (dự kiến tổ chức tại Trường Đại học Vinh vào tháng 8/2021), cùng nhìn nhận lại các hoạt động, sự kiện tiêu biểu về khởi nghiệp ĐMST của Trường Đại học Vinh trong 5 năm qua.
1.Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nghệ An tổ chức chuỗi các hoạt động về khởi nghiệp ĐMST: Triển khai chọn các sản phẩm, dự án tham gia Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Nghệ An năm 2018 (27/4/2018); Tổ chức khóa đào tạo Xây dựng và hoàn thiện mô hình kinh doanh, các dự án khởi nghiệp vùng Bắc Trung Bộ (6/6-11/6/2018); Tổ chức “Demo Day” (10/6/2018).
2.Phối hợp vớiBộ KH&CN tổ chức thành công Techfest vùng Bắc Trung bộ năm 2018(20/6 -21/6/2018) với trọng tâm là Tổ chức Hội thảo “Liên kết xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng Bắc Trung Bộ”; Triển lãm trưng bày các sản phẩm, dự án khởi nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ; Cuộc thi Trình diễn các sản phẩm, dự án khởi nghiệp sáng tạo, Hội nghị giao ban hoạt động khởi nghiệp ĐMST khu vực Bắc Trung Bộ và Lễ tổng kết Techfest Vùng Bắc Trung Bộ năm 2018. Đây là sự kiện quốc gia có quy mô quốc tế, là nơi quy tụ cộng đồng khởi nghiệp, hỗ trợ, đầu tư cho khởi nghiệp trong và ngoài nước, qua đó quảng bá hình ảnh của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây cũng là nơi kết nối các hoạt động về khởi nghiệp trong cả nước, để các tổ chức, cá nhân đầu tư và các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tìm đến nhau thông qua các hoạt động kết nối đầu tư được tổ chức trước, trong và sau sự kiện. Đặc biệt, đây còn là nơi để các doanh nghiệp đã có những thành công nhất định trên thị trường có thể tìm thấy những giải pháp sáng tạo từ các startup.
3. Tổ chức chuỗi các hoạt động “truyền lửa” về khởi nghiệp ĐMST cho học sinh, sinh viên, gồm: Tổ chức các diễn đàn về khởi nghiệp ĐMST như: “Khát vọng tuổi trẻ” (18/4/2018), “Thời 4.0 người Việt trẻ đang ở đâu?” (24/4/2018), “Thanh niên 4.0 cần làm gì và như thế nào” (23/9/2018), “Câu chuyện đi làm và khởi nghiệp của sinh viên” (19/10/2018); Tổ chức Cuộc thi “Tìm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp”(17/10/2018); Tổ chức “Ngày hội học sinh, sinh viên khởi nghiệp” năm 2018 (6/11/2018) và chọn sản phẩm dự thi Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp Quốc gia” tại Hà Nội (16/12 -16/12/2018); Tổ chức khóa đào tạo về “Khởi sự kinh doanh” (10/12 -15/12/2018); tổ chức các Talk show như “Bí mật của thành công” (13/3/2019), “Sinh viên khởi nghiệp và hội nhập quốc tế” (21/3/2019), “Định vị bản thân – Tư duy khởi nghiệp” (4/4/2019)…
4.Tổ chức chuỗi các hoạt động đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp ĐMST, gồm: Tổ chức 01 khóa đào tạo giảng viên nguồn về khởi nghiệp ĐMST (ToT) cho 30 cán bộ, giảng viên từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh (01/10 -28/10/2018). Đây là lực lượng giảng viên, mentor để triển khai các hoạt động về khởi nghiệp ĐMST tại 3 tỉnh, góp phần kết nối và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của khu vực. Tổ chức 01 khóa tập huấn cơ bản về khởi nghiệp ĐMST cho các cán bộ có tiềm năng quản lý, giảng viên, cán bộ Đoàn – Hội tại các trường đại học, các tổ chức chính trị – xã hội vùng Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh (3/11 -4/11/2018). Tổ chức 06 khóa tập huấn về định hướng, tư duy, kỹ năng và công cụ khởi nghiệp ĐMST cho 300 sinh viên, thanh niên vùng Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh (24/11-23/12/2018).
5. Tổ chức Hội thảo về kết nối đầu tư (23/11/2018) vàchuỗi 8hội thảo xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại các trường đại học, cao đẳng thuộc 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh (tháng 4-5/2019) nhằm xây dựng, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ĐMST, hình thành hệ sinh thái và liên kết vùng về khởi nghiệp ĐMST khu vực Thanh – Nghệ – Tĩnh, liên kết hệ sinh thái khu vực với hệ sinh thái quốc gia (doanh nghiệp khởi nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp). Các Hội thảo đã tập trung làm rõ các vấn đề về khởi nghiệp ĐMST: Chủ trương, chính sách, xu thế; xây dựng, phát triển phong trào khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp ĐMST nói riêng; liên kết vùng, liên kết các trường đại học, cao đẳng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST…
6. Phối hợp với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, VCCI cùng các đơn vị đối tác tổ chức chương trình “Tập huấn kỹ năng cố vấn về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”(10/2019) cho đối tượng là doanh nhân, giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng khu vực Bắc Trung bộ. Mục tiêu của khóa tập huấn là bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm cố vấn, huấn luyện về khởi nghiệp ĐMST cho các học viên là doanh nhân, giảng viên, sinh viên, thông qua đó, góp phần kết nối hiệu quả mạng lưới khởi nghiệp ĐMST ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
7.Phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Nghệ An tổ chức Tọa đàm “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0″và Lễ ký kết đầu tư 1 triệu USD của VinaCapital Ventures vào Công ty cổ phần Công nghệ GoStream(15/01/2021). Đây là hoạt động nhằm khơi dậy đam mê, tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ, tạo môi trường kết nối các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong khu vực. Chương trình có sự tham gia, chia sẻ của anh Nghiêm Tiến Viễn -CEO & Founder Gostream, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Vinh – Giải nhất Techfest toàn quốc năm 2020 và đại diện Việt Nam duy nhất tham dự StartUp World Cup 2021 tại Mỹ.
8.Đoàn trường Đại học Vinh tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo sinh viên”(tháng 3/2021) nhằm cụ thể hóa kế hoạch, nội dung công tác đoàn và phong trào thanh
niên của Nhà trường, đồng hành với thanh niên trong hoạt động khởi nghiệp ĐMST, cũng là hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2021).
9.Trường Đại học Vinh đạt Giải Nhất Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An (năm 2020) trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo với sản phẩm “Hệ thống dạy học trực tuyến cho đào tạo tiếp cận năng lực” của nhóm tác giả GS.TS. Nguyễn Huy Bằng và các cộng sự. Đây là hệ thống dạy học e-learning được xây dựng để triển khai thực hiện các mô hình dạy học hiện đại đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của trường đại học trong tình hình mới.
10. Trường Đại học Vinh đã đăng ký và được chấp nhận đơn hợp lệ 2 sáng chế sở hữu trí tuệ.
Cùng với những hoạt động khởi nghiệp ĐMST nêu trên, Nhà trường còn gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học như: Năm 2020, số lượng công bố bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Web of Science tăng 41,11% so với năm 2019 và phấn đấu đạt mốc 100 bài/năm vào năm 2022; Trường Đại học Vinh đạt chuẩn 4 sao theo định hướng nghiên cứu của Hệ thống Đối sánh Chất lượng Giáo dục đại học (UPM), trong đó có nhiều tiêu chí đạt 5 sao;Nhà trường có 10 chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng, trong đó có 2 chương trình được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế AUN-QA.
Nhà trường cũng chủ trương đẩy mạnh xây dựng và tổ chức hoạt động các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh (đã được cụ thể hóa trong Quy chế tổ chức và hoạt động Trường Đại học Vinh ban hành theo Nghị quyết 06/NQ-HĐT ngày 12/5/2021 của Hội đồng trường) nhằm thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển của Nhà trường, góp phần phục vụ hiệu quả cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.