Trong gần 4 năm qua (2017-2020), với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), sự chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo tỉnh, Sở KH&CN Nghệ An đã chủ động phối hợp với các ngành hữu quan triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút được nhiều nhà đầu tư mới. Thông qua việc tích cực triển khai các hoạt động, có thể nói, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn Nghệ An đã dần được hình thành và có những triển vọng rất đáng khích lệ.
Để từng bước tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, ngay từ năm 2017, Sở KH&CN Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2171/QĐ-UBND ngày 24/5/2017 về kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2020, với số kinh phí dự kiến là hơn 6 tỷ đồng huy động từ các nguồn lực công và tư, mục tiêu là tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ tối thiểu cho 10 dự án và 3 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
Một số kết quả bước đầu
Trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh Nghệ An đã hình thành một số tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, điển hình như: thành lập Trung tâm Nghiên cứu – Khởi nghiệp sáng tạo trực thuộc Trường Đại học Vinh (2017), Công ty Cổ phần đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp Nghệ An (2017), Không gian làm việc chung tại Sàn giao dịch công nghệ thiết bị thuộc Trung tâm Thông tin Khoa học Công nghệ và Tin học Nghệ An với diện tích gần 1.500 m2 gồm tầng 1, 2 và tầng 5 của Tòa nhà Nghệ An Techmart Daily (số 75A, Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh), với 3 phân khu: 1) Phân khu đào tạo huấn luyện, Không gian khởi nghiệp ĐMST; 2) Phân khu tổ chức hội nghị/hội thảo với quy mô 50-200 người; 3) Phân khu trưng bày các sản phẩm của các startup. Ngoài ra, còn có điểm kết nối cung cầu tại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN (đều thuộc Sở KH&CN). Năm 2018, Sở KH&CN phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu – Khởi nghiệp sáng tạo (Trường Đại học Vinh) và Công ty Cổ phần đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp Nghệ An triển khai nhiệm vụ “Hỗ trợ hoạt động và liên kết các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại các trường đại học và viện nghiên cứu, tổ chức chính trị xã hội” thuộc Đề án 844 của Bộ KH&CN, với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng, đạt kết quả tốt. Cuộc thi khởi nghiệp ĐMST Nghệ An 2018 đã thu hút 100 dự án, ý tưởng khởi nghiệp tham dự, trong đó 10 dự án/sản phẩm khởi nghiệp được đánh giá xuất sắc. Đặc biệt, tại Lễ trao giải thưởng, các nhà đầu tư đã đồng ý hỗ trợ trực tiếp cho các dự án khởi nghiệp như: Quỹ Alba Charity tài trợ 400 triệu đồng/dự án, Ngân hàng Bắc Á: 100 triệu đồng/dự án; 8 dự án khởi nghiệp có triển vọng khác cũng đã được các nhà đầu tư tiếp tục hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất… Ngoài ra, Sở KH&CN Nghệ An còn phối hợp với VSV tổ chức Angel camp1 tại huyện Con Cuông cho hơn 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà hoạt động chính sách, qua đó cho thấy tín hiệu tốt trong hoạt động khởi nghiệp ĐMST của tỉnh.
Cũng trong năm 2018, nhằm thúc đẩy liên kết các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của vùng, UBND tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Bộ KH&CN đồng tổ chức Techfest vùng Bắc Trung Bộ năm 2018 gồm các sự kiện như: triển lãm sản phẩm, dự án khởi nghiệp ĐMST vùng Bắc Trung Bộ; hội thảo “Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng Bắc Trung Bộ”; cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST vùng Bắc Trung Bộ” (thu hút 30 dự án, ý tưởng khởi nghiệp của các cá nhân, nhóm tác giả đến từ 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, trong đó tỉnh Nghệ An có 13 dự án, ý tưởng khởi nghiệp). Đến nay, hầu hết các dự án tham gia cuộc thi đã được ứng dụng trong thực tế.
Nhằm chuẩn bị tốt cho Cuộc thi “Khởi nghiệp ĐMST” tỉnh Nghệ An năm 2019, tại phân khu hội nghị, hội thảo của Không gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, Ngày hội đầu tư – Demo Day 20192 đã được tổ chức, thu hút 16 startup đến từ Hàn Quốc và Việt Nam, trong đó có 4 nhóm đến từ Nghệ An. Các dự án của các starup đều nhận được sự hỗ trợ của các quỹ đầu tư như VSV và startup Kised của Hàn Quốc, phát triển mạnh và mang lại hiệu quả cao sau cuộc thi. Đây là hoạt động khởi nghiệp ĐMST có tính chất quốc tế được tổ chức với quy mô lớn và thu hút được nhiều đơn vị trong và ngoài nước, từ đó kích hoạt sự tự tin và lan tỏa phong trào khởi nghiệp ĐMST tại Nghệ An cũng như các tỉnh trong vùng.
Năm 2020, Sở KH&CN Nghệ An phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ Gostream đồng tổ chức thành công Cuộc thi “Hackathon Nghệ An năm 2020”, trao giải cho các nhóm có triển vọng như: ứng dụng Learn to Earn – nhóm KC-RED; Nghệ An Vivu – nhóm Hết thời, FCC – nhóm KC-GRAY, mạng xã hội Tripfaster – nhóm KC_PINK, tòa soạn hội tụ – nhóm BETA..; tổ chức các khóa đào tạo và sự kiện khởi nghiệp ĐMST3 đều tạo được dấu ấn tốt. Ngày hội khởi nghiệp ĐMST tỉnh nghệ An năm 2020 – Techfest Nghean 2020 cũng được đánh giá cao với chuỗi các sự kiện như: Triển lãm trưng bày giới thiệu mô hình khởi nghiệp và KHCN năm 2020 (thu hút 43 mô hình sáng tạo và khởi nghiệp tiêu biểu tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm), chung kết Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST tỉnh Nghệ An năm 2020 và Lễ trao giải thưởng sáng tạo KH&CN Nghệ An… Bằng sự đầu tư bài bản, với quyết tâm cao và kinh nghiệm quý báu về khởi nghiệp ĐMST có được từ các cuộc thi và sự kiện đã triển khai trên địa bàn, tại Techfest Vietnam năm 2020, Dự án Đài Truyền hình 4.0 – Gostudio của tỉnh Nghệ An đã giành được quán quân và là đại diện cho Việt Nam tham dự Techfest toàn cầu năm 2021. Cùng với đó đến nay, Nghệ An có 4 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST triển vọng tham gia Sàn giao dịch công nghệ thiết bị gồm: Công ty Giải pháp công nghệ Unicar, Công ty TNHH học viện Stem, Công ty Huma, Công ty TNHH MTV Vluck sfin24 – lĩnh vực fintech. Tháng 1/2021 mới đây, Nghệ An có 2 startup đã gọi vốn thành công 1-2 triệu USD (Công ty Gostream thu hút 1 triệu USD từ Quỹ VinaCapital và Công ty Chanh Thiên Nhẫn với 2 triệu USD từ Tập đoàn Sao Thái Dương). Đó là những tín hiệu tích cực đối với các startup Nghệ An nói riêng và hoạt động khởi nghiệp ĐMST của tỉnh nói chung.
Bài học kinh nghiệm và một số đề xuất
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, mặc dù kết quả ban đầu đạt được vẫn còn khiêm tốn so với kỳ vọng, nhưng có thể nói, việc xây dựng hệ sinh thái ĐMST ở Nghệ An đã đi đúng hướng, đạt kế hoạch đề ra. Nhìn tổng thể, đây chính là kết quả của các chính sách đúng đắn trong thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, trong đó có sự đầu tư phù hợp của tỉnh Nghệ An. Các kết quả nêu trên còn là sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và đặc biệt là sự đồng bộ, hiệu quả, bài bản trong vai trò chủ chốt, tư vấn của toàn ngành KH&CN Nghệ An đối với nhiệm vụ tạo lập một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vững chắc, từ đó tạo ra môi trường khởi nghiệp ĐMST đủ mạnh, thu hút được các nhà đầu tư lớn. Ở đây, có thể nêu lên một số bài học thành công cụ thể trong việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở địa phương là: 1) Có sự thống nhất cao trong quan điểm, đường lối, chính sách và các bước triển khai của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Nghệ An; sự đồng lòng đóng góp của các ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp nói chung và đội ngũ cán bộ, viên chức ngành KH&CN nói riêng. Đặc biệt, nhiệm vụ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã được thấm nhuần đến mọi tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An; 2) Ngành KH&CN đã tham mưu thành công cho tỉnh trong ban hành các kế hoạch (4 năm và hàng năm) về thúc đẩy phát triển hệ sinh thái, trong đó xác định rõ nhiệm vụ của các bên liên quan, xây dựng cơ chế tài chính cũng như biện pháp triển khai cụ thể nhằm hỗ trợ cho các đơn vị tham gia4. Trong quá trình thực hiện đã tập hợp được các tổ chức ĐMST trên địa bàn dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các đơn vị…; 3) Trong các bước đi ban đầu tạo lập hệ sinh thải khởi nghiệp ĐMST đã có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, xã hội, cơ quan quản lý và các tổ chức tài chính, và sự tích cực đóng góp của tất cả năm nhân tố cấu thành nên hệ sinh thái ĐMST nêu trên; 4) Thành công trong hoạt động này có thể khẳng định vai trò nòng cốt của truyền thông, bằng việc huy động sự tham gia đồng hành của các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống, gồm: báo in, điện tử, chuyên san, truyền hình, phát thanh (đặc biệt là một số kênh quan trọng như truyền hình trung ương và địa phương), và cả các kênh mạng xã hội (youtube, facebook…).
Sắp tới, để phát huy kết quả đã đạt được và tiếp tục triển khai tốt các kế hoạch dài hạn trong thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST trên địa bàn Nghệ An nói riêng và các địa phương nói chung, xin có một số kiến nghị sau:
Một là, đề nghị Bộ KH&CN quan tâm hơn nữa trong hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức có liên quan đến hoạt động khởi nghiệp ĐMST cho đội ngũ cán bộ, công chức và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tổ chức các chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm và mô hình khởi nghiệp ĐMST thành công để thực hiện ở các địa phương. Bên cạnh đó, có các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và hỗ trợ trực tiếp các sáng chế, giải pháp hữu ích đã được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ để có thể thương mại hóa, tạo sản phẩm. Thường xuyên tổ chức các hội chợ công nghệ, thiết bị và kết nối cung cầu địa phương, khu vực, liên khu vực nhằm đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu và các sản phẩm KH&CN; đồng thời xem xét rút ngắn thời gian cấp văn bằng bảo hộ về sở hữu công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu, ĐMST.
Hai là, nhằm tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức có thể nâng cao kiến thức về ĐMST, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia, góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vững chắc, đề nghị UBND tỉnh hàng năm bố trí kinh phí đầu tư ổn định để tăng cường hoạt động tuyên truyền, đào tạo nâng cao kiến thức về khởi nghiệp ĐMST cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, lãnh đạo các cấp, các ngành cũng như để duy trì các hoạt động của không gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại tòa nhà Nghệ An Techmart Daily (số 75A, Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vinh). Chú trọng công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu hoạt động của lĩnh vực này trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Ba là, các viện, trường, tổ chức KH&CN trên địa bàn cần chủ động hơn trong hợp tác với cơ quan quản lý KH&CN, các tổ chức đào tạo về khởi nghiệp ĐMST nhằm thực hiện hiệu quả các kế hoạch đề ra. Mỗi cán bộ, giảng viên của các cơ sở nghiên cứu – đào tạo, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần doanh nghiệp, tích cực tham gia các hội chợ triển lãm KH&CN, các kỳ Techfest để tìm hiểu về nhu cầu thực tế, từ đó tập trung vào nghiên cứu đưa các kết quả, sản phẩm KH&CN có giá trị gia tăng cao ra thị trường và qua đó có thêm cơ hội nâng cao, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình đóng góp cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST của tỉnh đạt kết quả ngày càng cao.
Ghi chú:
1 Angel camp (trại tập huấn) – một hình thức đào tạo tập trung các startup, nhà đầu tư và nhà quản lý. Hình thức hoạt động là tổ chức tại một địa điểm, tập trung học 3-5 ngày, ăn, ở cùng nhau, tách biệt với công việc và gia đình, tránh bị phân tán tư tưởng.
2 Sự kiện này do Sở KH&CN chủ trì phối hợp với Công ty Cổ phần Vietnam Silicon Valley Accelerator tổ chức.
3 Đó là: Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST tỉnh Nghệ An năm 2020; VSV ANGEL CAMP Nghệ An 2020; Đại hội nhà đầu tư sáng lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo NSV – Nghệ An (phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư Startup Nghệ An); Hội nghị tuyên truyền thúc đẩy việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn TP Vinh (phối hợp với UBND TP Vinh và VSV)…
4 Quyết định số 2171/QĐ-UBND ngày 24/5/2017 ban hành kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2020.
Nguồn: https://vjst.vn/